Vinh: 0913771002 Nga: 2345678901
Hỗ trợ trực tuyến:
Danh mục Sản Phẩm
Thống kê truy cập

Đang online: 34

Hôm nay: 261

Tổng truy cập: 29,169,226

Tổng sản phẩm: 4410

Chi tiết

Tính cần kiệm của Vua dầu lửa thế giới John D. Rockefeller

Loại: TIN TỨC
Mô tả sản phẩm: John D. Rockefeller, người đứng đầu đế chế dầu lửa hùng mạnh của Mỹ và thế giới, được mệnh danh là vua dầu lửa và có trong tay hàng tỷ đôla, không những rất tiết kiệm mà còn dạy con cái sống một cách thanh bần.
Giá: Liên hệ

John D. Rockefeller, người đứng đầu đế chế dầu lửa hùng mạnh của Mỹ và thế giới, được mệnh danh là vua dầu lửa và có trong tay hàng tỷ đôla, không những rất tiết kiệm mà còn dạy con cái sống một cách thanh bần.

Rockefeller (1839-1937) đã tạo ra cuộc cách mạng trong ngành dầu lửa và xác lập cơ cấu của các tổ chức từ thiện hiện đại. Năm 1870, ông lập công ty dầu lửa Standard Oil và điều hành nó cho đến tận khi nghỉ hưu. Công ty này về sau nằm trong một tổ chức hợp tác cùng 5 hãng khác và tạo thành một đế chế dầu lửa. Khi vai trò của dầu hỏa và xăng ngày càng tăng, túi tiền của Rockefeller ngày càng nặng, và ông trở thành người giàu nhất thế giới, là người đầu tiên có tài sản trị giá trên 1 tỷ USD. Nếu tính đến yếu tố lạm phát, Rockefeller thường được cho là người giàu nhất trong lịch sử nhân loại.

Khi còn điều hành công ty, ông chỉ trích gay gắt “sự phí phạm” trong cạnh tranh không kiểm soát và luôn cho rằng mục đích của ông là đúng đắn. Rockefeller còn là một người khó gần đến kỳ lạ và sự khó gần này hoàn toàn có chủ ý. Về sau này, ông đọc lại một bài thơ mà ông còn nhớ:

Con cú già khôn ngoan sống trong cây sồi già

Càng chứng kiến nhiều, nó càng nói ít

Càng nói ít, nó càng nghe nhiều

Tại sao chúng ta không giống như con cú già kia?

Ngay từ khi bắt đầu kinh doanh, Rockefeller đã quyết tâm “ít phô trương nhất ở mức có thể”. Ông là người có óc phân tích, có tính hoài nghi và luôn giữ khoảng cách với mọi người. Thái độ lạnh lùng, xa cách và cái nhìn chằm chằm, xuyên thấu của Rockefeller khiến người khác cảm thấy thiếu tự tin.

Một lần, ông gặp gỡ một nhóm các chủ công ty lọc dầu tại Pittsburgh. Sau cuộc gặp, nhiều người trong số này đi ăn tối. Câu chuyện của họ tập trung vào người đàn ông lầm lì, không thân thiện và khiến họ thấy e dè. Một người nói: “Tôi không biết ông ta bao nhiêu tuổi nữa”. Nhiều người khác đưa ra dự đoán của họ. Cuối cùng, một người nói: “Ông ta để cho mọi người nói trong khi bản thân ngồi yên và chẳng nói gì. Nhưng có vẻ ông ta nhớ hết mọi thứ và khi thật sự bắt đầu, ông ta nói đâu vào đấy… Tôi đoán ông ta đã 140 tuổi rồi, vì khi mới ra đời, hẳn là ông ta đã 100 tuổi”.

Có người từng làm việc cho Rockefeller đã gọi ông là “người vô cảm nhất mà tôi từng biết”. Nhưng, dĩ nhiên, còn có một con người khác phía sau tấm mặt nạ này. Thập kỷ 1870 và 1880 là những năm thành công những cũng đầy gay cấn và căng thẳng. Rockefeller từng nói: “Tất cả tài sản mà tôi làm ra vẫn chưa thể bù đắp cho những lo lắng tôi phải chịu đựng trong thời kỳ đó”. Vợ ông cũng nhớ về thời kỳ đó như là “những tháng ngày của lo âu”.

Rockefeller tìm nhiều cách để thư giãn, nghỉ ngơi. Cuối ngày, trong những cuộc họp bàn về công việc kinh doanh, ông thường nằm xuống một chiếc trường kỷ và tham gia thảo luận trong khi nằm dài trên ghế. Rockefeller còn giữ một dụng cụ tập căng cơ rất thô sơ trong phòng làm việc. Và cuối ngày, ông thường cưỡi ngựa đi dạo, tiếp đó là nghỉ ngơi và ăn tối, sẽ giúp Rockefeller sảng khoái trở lại.

Tại Cleveland, ngoài công việc kinh doanh, cuộc sống của Rockefeller tập trung vào nhà thờ Baptist. Ông là giám thị của trường đạo ở đây và đã để lại ấn tượng không thể phai mờ đối với một học sinh của trường, cũng là một người bạn của các con ông.

Nhiều năm sau đó, người phụ nữ này nhớ lại: “Tôi vẫn còn nhớ Rockefeller khi ông hướng dẫn các buổi thể dục ở trường dòng. Cái mũi dài, nhọn và cái cằm cũng dài, nhọn của ông giơ cao trước mặt bọn trẻ. Đôi mắt xanh xám của ông không bao giờ thay đổi cảm xúc. Rockefeller luôn nói chậm rãi đến mức như lè nhè và khiến người ta không nghi ngờ gì về việc ông đang thích thú với vị trí của mình. Lòng mộ đạo chính là thú tiêu khiển số một của ông ấy”.

Rockefeller yêu mến điền trang Forest Hill của ông, một điền trang ở ngoại ô Cleveland, và dành nhiều thời gian để chỉnh trang nơi này – xây dựng một lò sưởi bằng loại gạch đỏ đặc biệt; trồng cây cối; mở những con đường mới xuyên qua rừng. Ông tiếp tục thú tiêu khiển quy mô lớn hơn khi chuyển tới một điền trang mới rộng lớn ở vùng đồi Pocantino, phía bắc thành phố New York. Tại đây, ông chỉ đạo việc tạo dựng cảnh quan và tự mình dùng cọc và cờ để bố trí những con đường mới. Đôi lúc, ông làm việc cho đến lúc mệt rã rời. Niềm đam mê đối với việc xây dựng cảnh quan của Rockefeller xuất phát từ chính tài năng tổ chức giúp ông trở thành nhân vật vô cùng đáng nể trong kinh doanh.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã trở thành người giàu nhất nước Mỹ, Rockefeller vẫn duy trì tính căn cơ đến kỳ lạ. Bất chấp sự phản đối của gia đình, ông kiên quyết mặc những bộ comple cũ cho tới khi chúng sờn rách. Một trong những món ăn ông yêu thích vẫn là bánh mì và sữa. Một lần, ở Cleveland, ông mời hai vợ chồng doanh nhân nổi tiếng của địa phương đến trang trại Forest Hill nghỉ hè. Sau này, họ nhận được từ Rockefeller một hóa đơn tiền ăn 600 đô-la.

Rockefeller không phải là không có khiếu hài hước, thậm chí còn là một người khôi hài, nhưng ông chỉ thể hiện điều này với rất ít người. Vào bữa tối, ông có thể làm cả nhà vui bằng cách hát, đặt một chiếc bánh quy lên mũi rồi đưa chiếc bánh đó vào miệng, hoặc đặt một chiếc đĩa thăng bằng trên mũi. Rockefeller cũng rất thích ngồi chơi với các con và bạn bè chúng.

Ngay từ khi bắt đầu kiếm ra tiền, Rockefeller đã tài trợ những khoản tiền nhỏ cho nhà thờ. Thời gian trôi qua, số tiền tài trợ mỗi ngày một lớn và Rockefeller luôn nỗ lực ban tặng một phần lớn trong khối tài sản ông tích luỹ được. Cách xem xét tỉ mỉ và đánh giá thận trọng trong kinh doanh cũng được Rockefeller áp dụng trong hoạt động từ thiện, và cuối cùng, các khoản tài trợ của ông được dành cho khoa học, y tế và giáo dục. Tuy nhiên, ở thế kỷ 19, phần lớn số tiền làm từ thiện của Rockefeller là dành cho nhà thờ Baptist, nơi ông trở thành con chiên có ảnh hưởng nhất.

Cuối thập niên 1880, Rockefeller quyết tâm sáng lập một trường đại học lớn. Thực hiện hành động nghĩa cử đó, ông đã tài trợ tiền bạc và tổ chức thành lập Đại học Chicago. Sau đó, ông tiếp tục là nhà tài trợ lớn nhất của trường đại học này.

 

 

Mặc dù rất quan tâm đến sự phát triển của trường, song Rockefeller không can thiệp vào công tác dạy học, ngoại trừ việc yêu cầu trường không được chi tiêu vượt ngân sách. Ông từ chối việc đặt tên ông cho bất kỳ tòa nhà nào và chỉ đến thăm trường hai lần trong 10 năm đầu tiên sau ngày thành lập. Chuyến thăm đầu tiên diễn ra vào năm 1896, nhân dịp kỷ niệm năm năm ngày thành lập trường. Trong cuộc gặp mặt, ông phát biểu: “Tôi tin tưởng vào việc thành lập trường đại học này. Đây là vụ đầu tư tốt nhất tôi từng thực hiện trong đời… Chúa đã cho tôi tiền bạc và làm sao tôi có thể không tài trợ cho Đại học Chicago chứ?” Một nhóm sinh viên đã hát cho ông nghe:

John D. Rockefeller, con người tuyệt vời đã cho chúng ta hết chỗ tiền lẻ để dành của mình.

Tính đến năm 1910, “chỗ tiền lẻ để dành” mà Rockefeller tài trợ cho Đại học Chicago lên tới 35 triệu đôla. Tổng cộng, số tiền làm từ thiện của ông vào khoảng 550 triệu đôla.

Những thói quen trong công việc cũng được Rockefeller đưa vào cuộc sống riêng. Thời kỳ đó là những thập kỷ của Kỷ nguyên vàng, thời kỳ mà “những quý tộc kẻ cướp” làm ra những khối tài sản khổng lồ và tạo ra những lối sống xa hoa, phóng túng. Ngôi nhà tại New York và điền trang Pocantico của nhà Rockefeller cũng thật sự sang trọng, nhưng ông và gia đình vẫn đứng bên ngoài sự sặc sỡ, phô trương và trần tục của thời kỳ đó.

Rockefeller và vợ muốn dạy cho con cái về những giá trị của lối sống thanh bạch để tránh cho chúng bị hủy hoại bởi chính những khoản thừa kế lớn. Do đó, bọn trẻ nhà Rockefeller chỉ có duy nhất một chiếc xe ba bánh để học cách chia sẻ. Tại thành phố New York, cậu con trai John D. Rockefeller Con phải đi bộ từ nhà đến trường và từ trường về nhà trong khi những đứa trẻ con nhà giàu khác được đưa đón bằng xe và có người phục vụ đi cùng. Còn để có tiền tiêu vặt, cậu phải làm việc trên các điền trang của cha với mức lương giống như những công nhân khác.

Năm 1888, Rockefeller đưa gia đình cùng hai vị mục sư của nhà thờ Baptist tới châu Âu ba tháng. Mặc dù không biết tiếng Pháp, ông vẫn xem kỹ từng khoản trên mỗi hóa đơn. “Poulet!” ông kêu lên, rồi quay sang hỏi con trai John “Poulet là cái gì?”. Được giải thích rằng đó là món gà tây, ông lại tiếp tục xem những khoản mục khác và hỏi xem đó là gì.

Sau này, John nhớ lại: “Bố tôi không bao giờ muốn thanh toán một hóa đơn khi chưa biết mọi khoản trên hóa đơn có chính xác hay không. Đối với một số người, bận tâm đến những thứ nhỏ nhặt dường như là bủn xỉn, nhưng đối với cha tôi, đó là cách thể hiện của một quy tắc sống”.

Theo VNE

Viết bình luận sản phẩm:

Viết bình luận
QUẢNG CÁO